Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 0,3%, dầu thô Mỹ (WTI) giảm 0,4%. Fed dự kiến con số thất nghiệp tại Mỹ đến cuối năm lên đến 2 con số. Tồn trữ dầu thô Mỹ giảm 4,8 triệu thùng trong tuần trước.
Giá dầu thế giới ngày 20/5/2020 giảm do lo ngại suy thoái kinh tế kéo dài từ đại dịch virus corona làm lu mờ các dấu hiệu cho thấy, nhu cầu cải thiện và các nước sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 11 US cent tương đương 0,3% xuống 34,54 USD/thùng.
Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 13 US cent tương đương 0,4% xuống 31,83 USD/thùng.
Giá dầu tăng trong 3 tuần liên tiếp vừa qua, với cả 2 loại dầu tăng lên trên 30 USD/thùng – lần đầu tiên – trong hơn 1 tháng trong ngày 18/5/2020, được hỗ trợ bởi các nước sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm mạnh sản lượng và các dấu hiệu nhu cầu cải thiện.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế ảm đạm từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gây áp lực giá dầu giảm.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết, việc sa thải bởi chính quyền bang và địa phương sẽ khiến nền kinh tế Mỹ phục hồi chậm lại, trong khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston, Eric Rosengren cho biết, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể ở mức 2 con số vào cuối năm nay.
Các nhà nghiên cứu thuộc ANZ cho biết, giá dầu thô từ bỏ mức tăng trong đầu phiên giao dịch, trong bối cảnh lo ngại về thiệt hại kinh tế kéo dài gây ra bởi virus corona.
Tồn trữ dầu thô Mỹ giảm 4,8 triệu thùng xuống 521,3 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 15/5/2020, Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết.
Giá khí tự nhiên cao nhất gần 2 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng gần 3% do sản lượng tiếp tục giảm khi các công ty năng lượng đóng cửa các giếng dầu và khí đốt và giảm chi tiêu cho hoạt động khoan mới sau khi giá dầu giảm vào đầu năm nay do nhu cầu giảm mạnh bởi đại dịch virus corona.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York tăng 4,7 US cent tương đương 2,6% lên 1,830 USD/mmBTU, cao nhất kể từ ngày 7/5/2020.
Giá khí tự nhiên tăng bất chấp dự kiến đại dịch sẽ khiến nhu cầu sử dụng năng lượng nội địa và xuất khẩu thấp trong nhiều tháng.
Nguồn: VITIC/Reuters