Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu nhiên liệu Iran có hiệu lực vào ngày 5/11/2018. Washington tạm thời miễn giảm đối với các khách mua hàng đầu của Iran. Nguồn cung dầu toàn cầu gia tăng trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế.
Giá dầu giảm trong ngày thứ ba (6/11/2018), do lo ngại suy thoái kinh tế có thể hạn chế tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu và làm lu mờ việc tái áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Giá dầu thô Mỹ kỳ hạn giao sau đạt 62,93 USD/thùng, giảm 17 US cent tương đương 0,3% so với đóng cửa phiên trước đó và giá dầu Brent kỳ hạn giao sau giảm 21 US cent tương đương 0,3% xuống 72,96 USD/thùng.
Các nhà phân tích dự kiến suy giảm kinh tế trong những tháng tới gây áp lực đối với nguồn cung thị trường dầu thô từ việc tái áp đặt biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực từ ngày 5/11/2018.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 5/11 thông báo, Mỹ quyết định miễn áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Iran đối với bảy nước là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng nằm trong danh sách được phép tiếp tục mua dầu từ Iran. Giới phân tích cho rằng thông tin này đã phần nào đè nặng lên giá dầu.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn áp đặt trừng phạt lĩnh vực dầu mỏ của Iran một cách từ từ, do lo ngại về khả năng gây sốc đối với các thị trường năng lượng và khiến giá toàn cầu tăng vọt.
Giá “vàng đen” đã chịu áp lực trong thời gian qua khi các nước sản xuất dầu lớn, trong đó có Saudi Arabia và Nga, đã gia tăng sản lượng lên gần các mức cao kỷ lục, trong khi các số liệu kinh tế yếu ớt ở Trung Quốc cũng dấy lên những nghi ngại về triển vọng nhu cầu.
Tổng sản lượng dầu của Nga, Mỹ và Saudi Arabia đã lần đầu tiên tăng hơn 33 triệu thùng/ngày kể từ tháng 10/2018, khi cả ba nước đều ghi nhận sản lượng ở mức cao kỷ lục hoặc gần kỷ lục. Cả hai loại dầu trên đều giảm hơn 15% so với các mức cao trong 4 năm đã đươc hồi đầu tháng 10/2018.
Nguồn: VITIC/Reuters