Liên quan đến nguồn cung hydrocarbon lỏng năm 2021 từ phía các quốc gia non-OPEC, OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng 700.000 bpd lên bình quân 63,6 triệu bpd, chủ yếu từ phía Canada, LB Nga, Trung Quốc, Na Uy, Brazil, Guyana và Qatar đủ bù đắp sụt giảm sản lượng khai thác tại Anh, Colombia, Indonesia và Ai Cập.
Tin thị trường: OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng hydrocarbon, Mỹ can thiệp thị trường dầu thô sâu hơn
Nguồn cung khối non-OPEC năm 2022 được dự báo tăng 3,0 triệu bpd lên 66,7 triệu bpd, một phần nhờ kế hoạch khai thác bổ sung khí đốt dẫn đến tăng sản lượng hydrocarbon lỏng tại Mỹ (+0,94 triệu bpd), bao gồm 300.000 bpd NGL, song song cùng tăng trưởng khai thác LB Nga (1 triệu bpd), Brazil, Canada, Na Uy, Kazakhstan. Sản lượng khai thác toàn cầu tháng 10/2021 đạt 97,56 triệu bpd, tăng +1,74 triệu bpd so với tháng 9, trong đó, khối OPEC đạt 27,45 triệu bpd (+220.000 bpd), non-OPEC – 70,1 triệu bpd (+1,5 triệu bpd).
Mỹ đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu LNG trong bối cảnh giá khí thế giới tăng mạnh, giá spot sàn Henry Hub trung bình tháng 10 đạt 5,51 USD/MMBtu (156 USD/1000m3), tăng 70% so với nửa đầu năm 2021. Sản lượng khai thác khí đốt tháng 10 đạt 2,69 tỷ m3/ngày, tăng 3,2% so với nửa đầu năm 2021, dự báo năm 2022 sẽ tăng lên bình quân 3,42 tỷ m3/ngày. Xuất khẩu LNG bình quân 10 tháng đầu năm 2021 đã tăng 50% so với cùng kỳ 2020 lên 346 triệu m3/ngày, khối lượng xuất khẩu trong giai đoạn mùa đông (tháng 11 đến tháng 03/22) có thể tăng thêm 12% lên 390 triệu m3/ngày, trung bình cả năm 2022 trên 406 triệu m3/ngày (148 tỷ m3).
Chính quyền Tổng thống J. Biden đang xem xét các biện pháp can thiệp thị trường dầu thô sâu hơn nữa nhằm hạ giá xăng dầu nội địa hiện đã tăng mức cao nhất kể từ 2014, bao gồm tái áp dụng lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ từng có hiệu lực trong vòng 4 thập kỷ và mới được dỡ bỏ từ năm 2015 hoặc bán dầu thô từ nguồn SPR. Giá bán lẻ xăng bình quân tại một số bang như California, Nevada và Hawaii đã tiến sát mốc 4 USD/gallon – cao nhất kể từ 2008 khi giá dầu thô 147 USD/thùng kéo lạm phát 10 tháng đầu năm 2021 tăng lên 6,2% (cao nhất kể từ năm 1995). Theo Bloomberg, tính đến thời điểm ngày 13/11, khoảng 3,1 triệu thùng đã được rút khỏi SPR, động thái tiếp của bộ Năng lượng chưa rõ ràng, quyền hạn đặc biệt của Tổng thống cho phép rút tới 30 triệu thùng từ nguồn SPR.
Trung Quốc lập kỷ lục khai thác than ngày ở mức 12,05 triệu tấn (ngày 10/11). Sản lượng khai thác bình quân nửa đầu tháng 11 đạt 11,75 triệu tấn/ngày trong bối cảnh Ủy ban Cải cách (NDRC) đang nỗ lực tăng nguồn cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.
Tình trạng thiếu than và mất điện tại Ấn Độ đã hạ nhiệt. Nguồn cung than dồi dào phần nào giúp các nhà máy nhiệt điện tăng thêm công suất hoạt động, dự trữ than tăng lên 13,7 triệu tấn (đủ cho 8 ngày hoạt động) so với 8,1 triệu tấn hồi tháng 9. Mặc dù vậy, việc phân bổ dự trữ chưa đồng đều, tại 63/135 nhà máy nhiệt điện tổng công suất 75GW dự trữ nhiên liệu vẫn được đánh giá ở mức thấp, trước đó con số này tương ứng 116 nhà máy và 142GW. Nhìn chung, cung cầu điện đang dần ổn định, thiếu hụt điện giảm mạnh so với tháng 10 khi thâm hụt lên tới 114 triệu kWh.
Viễn Đông