Dự báo về giá dầu tăng dựa trên triển vọng Chính phủ Mỹ và châu Âu đang triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và mở rộng các biện pháp kích thích sẽ vực dậy các hoạt động kinh tế.
Một cơ sở lọc dầu của Mỹ ở Vịnh Galveston, bang Texas. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá dầu đã phục hồi nhanh chóng kể từ cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tấn công ngành năng lượng trong nhiều thập kỷ. Dưới đây là những lý do tại sao giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng trở lại trên 60 USD/thùng từ mức âm 37,63 USD/thùng ghi nhận vào tháng Tư năm ngoái.
Cung cầu là nền tảng của giá
Các nhà giao dịch cho rằng cung và cầu là cơ sở cho sự phục hồi giá dầu mỏ. Tỷ lệ các hợp đồng tương lai và quyền chọn mua/bán dầu WTI mà các nhà quản lý quỹ nắm giữ với kỳ vọng giá dầu tăng hiện thấp hơn mức được ghi nhận trong đợt tăng giá dầu mạnh gần đây nhất vào năm 2018. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư không còn chiếm ưu thế trong việc điều chỉnh xu hướng giá dầu.
Các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể thay đổi nếu nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường dầu mỏ để đặt cược vào triển vọng các hoạt động kinh tế sớm mở cửa trở lại.
Nguồn cung bị thu hẹp
Kho dự trữ dầu bị phình to vào thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, đến nay đã giảm mạnh đáng kể sau khi Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (còn gọi là nhóm OPEC+), cùng các công ty ở Mỹ và những nước khác cùng cắt giảm sản lượng. Ngoài ra Saudi Arabia đã thực hiện một đợt cắt giảm bổ sung vào tháng 1/2021 do lo ngại một đợt phong tỏa mới sẽ ảnh hưởng tới các nỗ lực tái cân bằng thị trường.
Tại cuộc họp mới nhất (4/3), OPEC+ đã nhất trí gia hạn phần lớn cắt giảm sản lượng trong tháng Tư tới, riêng Nga được phép tăng sản lượng thêm 130.000 thùng/ngày trong tháng Tư, còn Kazakhstan cũng được chấp thuận nâng sản lượng thêm 20.000 thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết, Saudi Arabia sẽ gia hạn việc cắt giảm "tự nguyện" 1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng Tư và sẽ từng bước chấm dứt cam kết này vào một thời điểm "phù hợp" những tháng tới. Theo ông Abdulaziz, mặc dù công tác triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã giúp tăng cường lạc quan, song sự không chắc chắn về dịch COVID-19 vẫn ở mức cao. Nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" vẫn còn yếu, do đó lộ trình đúng đắn hiện nay là cần chuẩn bị các kịch bản đối phó với những hệ quả không mong muốn.
Theo chiến lược gia Martijn Rats của Morgan Stanley, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu hiện đã vượt quá sản lượng khoảng 2,8 triệu thùng/ngày. Ông ước tính rằng quý I/2021 sẽ là giai đoạn mà tỷ lệ nguồn cung thấp hơn nhu cầu ở mức lớn nhất kể từ năm 2000.
Jeffrey Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Goldman Sachs, cho rằng thị trường đang "thâm hụt" nghiêm trọng; đó là lý do tại sao dự trữ dầu ngày càng ít đi. Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 75 USD/thùng trong quý III/2021.
Khép lại phiên 10/3, giá dầu Brent giao dịch ở mức 67,90 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đóng phiên ở mức 64,44 USD/thùng
Nhu cầu phục hồi
Nhu cầu dầu mỏ đã phục hồi ở Trung Quốc, Ấn Độ và đang gia tăng ở Mỹ và châu Âu. Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) ước tính thị trường Mỹ tiêu thụ 18,6 triệu thùng/ngày bao gồm xăng và các loại nhiên liệu khác trong tháng Giêng. Con số này tăng hơn 26% so với tháng 4/2020, mặc dù vẫn thấp hơn khoảng 7% so với tháng 1/2020.
Dự báo về giá dầu tăng dựa trên triển vọng Chính phủ Mỹ và châu Âu đang triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và mở rộng các biện pháp kích thích sẽ vực dậy các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, Paola Rodríguez-Masiu, Phó Chủ tịch phụ trách thị trường dầu mỏ của công ty tư vấn Rystad Energy, đưa ra những nhận định thận trọng hơn. Dựa trên dữ liệu như giao thông đường bộ và đường hàng không, bà Rodríguez-Masiu không hy vọng nhu cầu dầu thô sẽ phục hồi về mức trước đại dịch cho đến cuối năm 2022.
Khả năng "mở van" dầu đá phiến
Trước tình hình các nhà sản xuất dầu đang dự trữ hàng triệu thùng dầu thô mỗi ngày, liệu giá "vàng đen" có bị áp lực một khi van dầu được mở ra. Các nhà phân tích kỳ vọng OPEC+ sẽ sớm tăng dần sản lượng trong năm nay theo lộ trình phù hợp với diễn biến thị trường.
Dù vậy, nước Mỹ được kỳ vọng sẽ không duy trì sản lượng 13 triệu thùng/ngày như mức trước cuộc khủng hoảng COVID-19. Dưới áp lực từ các cổ đông và chủ nợ buộc công ty ưu tiên dòng tiền, các doanh nghiệp dầu đá phiến sẽ chưa vội vàng bơm thêm dầu khi giá tăng cao hơn.
Tình hình chung đã khiến số lượng giàn khoan đang hoạt động thấp hơn mức cần thiết để duy trì sản lượng 11 triệu thùng/ngày, chứ chưa nói đến việc đưa sản lượng trở lại mức trước đại dịch. Theo Ronald Smith, nhà phân tích dầu khí cấp cao tại BCS Global Markets, khả năng tăng sản lượng dầu đá phiến sẽ được kiểm chứng nếu giá "vàng đen" tiếp tục tăng.
Triển vọng của cổ phiếu năng lượng
Sau một năm 2020 nhiều biến động đối với các công ty năng lượng, kỳ vọng về việc nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường đã tiếp sức cho cổ phiếu ngành dẫn đầu chỉ số S&P 500 trong năm nay. Tuy nhiên, cổ phiếu của những "người khổng lồ" như Exxon Mobil Corp và Royal Dutch Shell PLC đã không bắt kịp đà của thị trường dầu mỏ và giá cổ phiếu vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch.
Các nhà phân tích giải thích, giới đầu tư lo ngại sức mạnh hiện tại của thị trường có thể không kéo dài. Một lý do khác là nhà đầu tư kỳ vọng một số công ty dầu mỏ sẽ ưu tiên giảm nợ thay vì chia lợi nhuận cho cổ đông. Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, sự phát triển của xe điện và các nguồn năng lượng tái tạo đã làm gia tăng những câu hỏi về tương lai của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch./.
https://bnews.vn/