Sáng ngày 5/7, tại TP Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội nghị công tác Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp.
Hội nghị nhằm quán triệt, triển khai các nghị quyết, kế hoạch công tác của Đảng ủy và Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong 6 tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo.
Chủ trì Hội nghị là đồng chí Lê Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn; đồng chí Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp Tập đoàn.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị về phía các Ban, ngành Trung ương có đồng chí Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Tám, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có các đồng chí Thành viên HĐTV Tập đoàn Đinh Văn Sơn, Nguyễn Hùng Dũng, Phan Ngọc Trung; TS. Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; cùng các đồng chí Trưởng các Ban/Văn phòng, trưởng/phụ trách các đoàn thể chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, xã hội thuộc Tập đoàn; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Tổng giám đốc, Viện trưởng, Hiệu trưởng, lãnh đạo cấp phó phụ trách công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp; các đồng chí cán bộ phụ trách/chuyên trách, trực tiếp tham mưu nghiệp vụ công tác tuyên giáo, truyền thông, văn hóa doanh nghiệp của các đơn vị, đoàn thể thuộc Tập đoàn.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị diễn ra với các nội dung chính: Nghị quyết 281/NQ-ĐU ngày 15/5/2019 của Đảng ủy Tập đoàn về công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp; Kế hoạch triển khai công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp; Các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách và cấp thực hiện trao đổi các Chuyên đề về công tác Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; và Phương pháp triển khai văn hóa doanh nghiệp.
Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Mạnh Hùng và Trưởng Ban TT&VHDN Tập đoàn Trần Quang Dũng chủ trì hội nghị
Truyền thông đi trước một bước
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Quang Dũng đã Giới thiệu Nghị quyết 281/NQ-ĐU ngày 15/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn về Công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp (TT&VHDN); triển khai kế hoạch công tác thời gian tới.
Đồng chí Trần Quang Dũng phát biểu tại hội nghị
Theo đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác TT&VHDN nên ngay sau Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II (nhiệm ký 2015 – 2020), Ban Thường vụ/Đảng ủy và Lãnh đạo Tập đoàn đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông và xây dựng phát triển VHDN. Trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại các ban tham mưu thuộc bộ máy điều hành, năm 2018 Tập đoàn đã thành lập Ban TT&VHDN. Nhờ vậy công tác truyền thông của Tập đoàn đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thông tin kịp thời, chính xác về các hoạt động của toàn Tập đoàn; tạo sự liên kết trong hệ thống giữa công tác tuyên giáo, truyền thông, sự gắn kết với các sự kiện và hoạt động xã hội; đã xây dựng được mối quan hệ gần gũi, đồng cảm với các cơ quan quản lý báo chí và lãnh đạo, phóng viên, các cơ quan báo chí, xử lý kịp thời nhiều thông tin chưa chính xác gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Bên cạnh đó, mới đây Tập đoàn đã hoàn thiện và banh hành Cẩm nang Văn hóa Dầu khí, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ lãnh đạo, quản lý Petrovietnam… Những kết quả đó đã bước đầu góp phần vào việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Nghị quyết 281/NQ-ĐU đề ra mục tiêu cho công tác truyền thông là thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời qua các phương tiện truyền thông để bảo vệ, giữ gìn và nâng cao uy tín, hình ảnh, thương hiệu; hạn chế tới mức thấp nhất những thông tin trái chiều, tiêu cực ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị. Tối ưu hóa và tập trung nguồn lực, tạo sự liên kết mang tính hệ thống để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động truyền thông trong Tập đoàn với phương châm “Truyền thông đi trước một bước”.
Mục tiêu xây dựng VHDN là thống nhất nhận thức từ lãnh đạo đến toàn thể người lao động về các giá trị chung của Tập đoàn, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, tạo nên bản sắc văn hoá Dầu khí mà người lao động Dầu khí phải trân trọng, gìn giữ và phát triển với phương châm hành động “Bản lĩnh – Đoàn kết – Đổi mới – Hành động”.
Về Kế hoạch triển khai thực hiện công tác TT&VHDN, thực hiện Nghị quyết số 281-NQ/ĐU ngày 15/5/2019 của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về công tác TT&VHDN, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác TT&VHDN một cách chi tiết, sát sao với tình hình thực tế của Tập đoàn và các đơn vị, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội.
Trên cơ sở chủ trương của Tập đoàn, đề xuất của Ban TT&VHDN, các Ban, đơn vị, đoàn thể trong Tập đoàn chủ động cung cấp thông tin về thuận lợi, khó khăn, kết quả sản xuất kinh doanh, cơ chế tác động đến lĩnh vực hoạt động của đơn vị cho các cơ quan báo chí; thường xuyên cung cấp tin bài để các phóng viên, nhà báo tiếp cận, tham khảo và sử dụng đăng tải nhằm tạo sự chia sẻ, đồng thuận xã hội đối với ngành Dầu khí.
Khai thác triệt để tính năng tương tác của mạng xã hội, các công cụ truyền thông, thiết bị kỹ thuật số để nắm bắt thông tin, tạo sự đồng thuận xã hội trong hoạt động Dầu khí.
Chỉ đạo, tạo điều kiện để báo Năng lượng Mới, Tạp chí Dầu khí xây dựng chuyên mục Năng lượng Quốc tế với mục đích tăng cường nội dung, bổ sung kênh tuyên truyền các hoạt động hợp tác quốc tế của Tập đoàn, đồng thời cũng là kênh liên kết truyền thông với các tổ chức dầu mỏ quốc tế, các công ty dầu khí nước ngoài tại Việt Nam....
Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến phát biểu tham luận tại hội nghị
Bộ phận truyền thông phải nắm bắt được hơi thở doanh nghiệp
Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến, trong xây dựng VHDN thường xảy ra các sai lầm như theo tư duy nhiệm kỳ, gắn với văn hóa người đứng đầu. Tuy nhiên, ở các DNNN nên xây dựng văn hóa theo tập thể, để bất kỳ lãnh đạo nào thì văn hóa đó vẫn sống và phát triển. Sai lầm nữa là xây dựng VHDN theo phong trào, thiếu đi nền tảng, không thường xuyên, bền bỉ. Trong khi đó muốn xây dựng thành công VHDN phải xây dựng từ phần gốc, tạo những thói quen tốt, làm nền tảng của VHDN.
Bên cạnh đó, theo Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến, lãnh đạo cao nhất phải có sự quan tâm đúng mức đối với xây dựng VHDN, bởi khi mà lãnh đạo cao nhất thiếu quan tâm thì xây dựng VHDN khó thành công. Trong khi đó, nếu người đứng đầu quan tâm sẽ truyền cảm hứng rất lớn cho CBCNV, bởi nó thể hiện sự cam kết, niềm tin thực thi. Đặc biệt, trong xây dựng VHDN cần chú trọng tính thực thi, chuyển hóa những chủ trương thành hành động cụ thể, để không rơi vào tình trạng nặng về hô hào, nhẹ về thực thi.
Trong công tác truyền thông, Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho rằng, bộ phận làm công tác truyền thông ở các đơn vị cần phải được coi trọng và nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của lãnh đạo và CBCNV. Có như vậy, bộ phận truyền thông mới nắm bắt được hơi thở doanh nghiệp, có được phương tiện, quyền lực để có thể làm tốt nhiệm vụ, tuyền thông hiệu quả, kịp thời, đóng góp tích cực cho hoạt động của doanh nghiệp.
“Hiện tượng” Sơn Tùng M-TP là bài học về công tác truyền thông hiệu quả
Mở đầu bài tham luận, Tổng giám đốc BIENDONG POC Ngô Hữu Hải cho biết, ở thời đại 4.0 hiện nay, công tác TT&VHDN – Chiến lược phát triển doanh nghiệp – Nguồn lực DN như kiềng 03 chân, thiếu một trong ba yếu tố trên, DN không thể tồn tại và phát triển bền vững.
Nhất là trong bối cảnh có rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan gây tác động tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của PVN, việc chú trọng và nâng cao hơn nữa công tác TT&VHDN là rất cần thiết và cấp bách để bảo vệ, giữ gìn, nâng cao uy tín của Tập đoàn; đồng thời khơi dậy niềm tự hào về truyền thống và bản sắc của Người dầu khí, góp phần đẩy lùi các thông tin trái chiều, tiêu cực để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Về phía BIENDONG POC, thực hiện chỉ đạo của PVN, trong thời gian vừa qua BIENDONG POC đã tích cực triển khai các hoạt động TT&VHDN và đạt một số kết quả khả quan ban đầu. Trong công tác truyền thông công chúng có những sự kiện tiêu biểu như: Sự kiện Kỷ niệm 10 năm thành lập BIENDONG POC; Hoạt động Về nguồn Đảng bộ tại Làng Sen, Quê Bác; Back-up: Chào cờ trên Biển Đông, Triển lãm Ảnh…
Đối với công tác truyền thông nội bộ, BIENDONG POC luôn xác định truyền thông nội bộ là một công cụ quản trị quan trọng để phục vụ hoạt động SXKD và xây dựng VHDN thông qua việc truyền tải thông tin chính xác và kịp thời đến toàn thể CBNV.
Trong thời gian qua, BIENDONG POC đã xây dựng được hệ thống truyền thông nội bộ đa kênh (sử dụng intranet, mạng xã hội, viber…) hoạt động rất hiệu quả, tạo thành một chuỗi thông tin thông suốt trong toàn Công ty và có sự tương tác rất tốt giữa Ban Lãnh đạo và nhân viên, giữa nhân viên với nhau.
Tổng giám đốc BIENDONG POC Ngô Hữu Hải phát biểu tham luận tại hội nghị
Trong xây dựng VHDN, với đặc thù là Công ty Liên doanh với LB Nga - điều hành khai thác mỏ Khí và Condensate, VHDN của BIENDONG POC được xây dựng trên nền tảng văn hóa Việt Nam và văn hóa Liên bang Nga, được cụ thể hóa qua Cẩm nang văn hóa của PVN và Gazprom và được chi tiết hóa phù hợp với bản sắc Công ty. BIENDONG POC đã từng bước triển khai, xây dựng và ban hành văn hóa Công ty theo định hướng an toàn, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Đặc biệt, trong bài tham luận của mình, đồng chí Ngô Hữu Hải đã nhắc đến hiệu ứng của MV “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP đạt 31 triệu lượt xem hơn 24 giờ ra mắt, lọt vào Top 1 xem nhiều nhất châu Á. Đồng chí Ngô Hữu Hải cho biết, đây bài học hay về công tác truyền thông hiệu quả.
Tổng giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương phát biểu tham luận tại hội nghị
Truyền thông sáng tạo, hiệu quả
Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) Cao Hoài Dương cho biết, PVOIL luôn nhận thức rằng công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Tuy nhiên do nhân lực và kinh phí cho hoạt động này có phần hạn chế, PVOIL xác định làm truyền thông một cách tập trung, đảm bảo tính thống nhất và triển khai có chọn lọc.
Tại PVOIL các hoạt động truyền thông được thực hiện một cách gắn kết, tìm ra các thế mạnh để phát huy, tận dụng mọi cơ hội, mọi nguồn lực sẵn có để tiết kiệm chi phí, nguồn lực. Đồng thời, PVOIL rất chú trọng đến tính sáng tạo để công tác truyền thông thu được hiệu quả cao nhất. Trong quan hệ với các cơ quan thông tấn, báo chí, PVOIL luôn chủ động cung cấp thông tin khách quan, chính xác về hoạt động của doanh nghiệp; chọn các đầu báo uy tín để hợp tác tuyên truyền.
Kinh nghiệm làm và xử lý khủng hoảng truyền thông
Nhà báo Nguyễn Như Phong phát biểu tham luận tại hội nghị
Tại Hội nghị, Nhà báo Nguyễn Như Phong đã chỉ ra những cách hiểu, cách làm sai trong công tác truyền thông như: coi truyền thông là công cụ để sai khiến, thực hiện ý chí chủ quan của lãnh đạo, bất chấp sự thực, bất chấp dư luận; coi công tác truyền thông là “có cũng được, không có cũng được”; không quan tâm đến đào tạo đội ngũ truyền thông; coi truyền thông như một công cụ để quảng bá cho doanh nghiệp, cho sản phẩm, nhưng sa vào xu hướng thổi phồng thành tích, bịa đặt ra những con số về tăng trưởng, về lợi nhuận hoặc sử dụng truyền thông để lấp liếm, che đậy khuyết điểm của doanh nghiệp;…
Nhà báo Nguyễn Như Phong cũng chia sẻ về kinh nghiệm về cách làm truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông. Trong đó, với công tác truyền thông các doanh nghiệp cần phải chủ động hoàn toàn, chủ động cung cấp thông tin minh bạch trung thực và đúng bản chất của sự việc. Bên cạnh đó, chủ động viết bài, cung cấp hình ảnh cho báo chí. Phải đặt tình huống rủi ro về truyền thông khi sắp có sự kiện, từ đó xây dựng kịch bản đối phó với khủng hoảng truyền thông; phải xây dựng được đội ngũ làm truyền thông có trình độ như một nhà báo chuyên nghiệp, đủ sức viết bài, cung cấp hình ảnh cho báo chí theo yêu cầu, hạn chế tối đa việc có bất cứ sự kiện gì cũng chạy đi nhờ vả, sử dụng báo chí.
Trong xử lý khủng hoảng truyền thông, các doanh nghiệp phải xây dựng các kịch bản đối phó với khủng hoảng truyền thông ở nhiều cấp độ khác nhau; xây dựng quy chế phát ngôn…; đồng thời phải nhớ nguyên tắc lãnh đạo chủ chốt không bao giờ được đối đầu với báo chí.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San trao đổi với lãnh đạo các đơn vị bên lề hội nghị
Kết luận hội nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Mạnh Hùng đánh giá cao vai trò và đóng góp quan trọng của công tác TT&VHDN đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Với mục tiêu đổi mới công tác truyền thông và tái tạo VHDN, đồng chí Lê Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị cần quán triệt hết sức nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn về công tác TT&VHDN; kiện toàn mô hình quản trị về truyền thông và VHDN ở công ty mẹ và các đơn vị thành viên nhằm tận dụng, phát huy tối đa nguồn lực trong công tác này. Đặc biệt, những người đứng đầu doanh nghiệp cần quan tâm chỉ đạo về công tác TT&VHDN ở đơn vị mình.
Trong xây dựng VHDN, Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Mạnh Hùng đề nghị cần tập trung xây dựng văn hóa nền tảng của Petrovietnam với những nét đặc trưng làm cơ sở để các đơn vị thành viên xây dựng văn hóa riêng. Trong đó, chú trọng văn hóa về hiệu quả, đoàn kết. Với công tác truyền thông cần xây dựng phương án và tổ chức thực hiện truyền thông chủ động; Tổ hợp, đồng bộ các mục tiêu, nguồn lực bên trong và ngoài Tập đoàn trong công tác này.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng chỉ đạo Ban TT&VHDN tiếp thu các ý kiến, bài học kinh nghiệm thông qua các tham luận, phát biểu tại Hội nghị để kiện toàn chương trình hành động của mình và triển khai trên thực tế để tổ chức hiệu quả công tác TT&VHDN, đóng góp vào SXKD cũng như phát triển bền vững của PVN.
Nhóm PV
Nguồn: https://petrotimes.vn