Phiên 7/11, giá dầu thế giới đi xuống, sau khi tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng, do những tín hiệu trái chiều về chính sách kiểm soát dịch của Trung Quốc.
Trong ảnh: Kho dự trữ dầu thô tại Carson, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 65 xu Mỹ xuống 97,92 USD/thùng, sau khi có lúc vọt lên 99,56 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 31/8. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 82 xu Mỹ xuống 91,79 USD/thùng, sau khi có lúc tăng lên 93,74 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 30/8.
Giá dầu đã tăng khi tờ Thời báo Phố Wall dẫn nguồn tin cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc mở cửa trở lại nền kinh tế, song tiến trình mở cửa sẽ từ từ và chưa có khung thời gian cụ thể.
Theo nhà phân tích Phil Flynn tại công ty tư vấn và môi giới đầu tư Price Futures Group (Mỹ), thị trường cho rằng nếu Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, nguồn cung sẽ thắt chặt đáng kể và gây thêm sức ép tăng giá đối với dầu mỏ.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 5/11, các quan chức y tế Trung Quốc cho biết họ sẽ kiên trì với chính sách Zero COVID hiện nay.
Trong khi đó, trong tháng Mười, xuất khẩu của Trung Quốc ghi nhận lần đầu tiên giảm kể từ tháng 5/2020, do các biện pháp kiểm soát dịch trong nước và nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định giá dầu vẫn nhận được lực đẩy do dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt hơn khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với xuất khẩu dầu thô qua đường biển của Nga bắt đầu từ ngày 5/12.
Ông Bob Yawger, người phụ trách mảng hợp đồng năng lượng tại ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cảnh báo có thể xảy ra một cuộc tranh giành dầu mỏ trong tháng Mười Hai, đặc biệt là tại Khu vực đồng euro (Eurozone)./.
https://bnews.vn/