Giá dầu thế giới đi xuống trước sự lên giá của đồng USD và đồn đoán về các đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương để kiểm soát lạm phát.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 1,38 USD (1,5%) xuống 90,62 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giao tháng Mười Một giảm 1,42 USD xuống 83,94 USD/thùng.
Cả dầu Brent và WTI đều đang trên đà hướng đến quý giảm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Hồi tháng Ba, giá dầu Brent đã vọt lên khoảng 139 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp hai ngày vào ngày 21/9 để kiềm chế lạm phát. Triển vọng này đang đè nặng lên giá cổ phiếu, vốn thường biến động cùng chiều với giá dầu. Không chỉ Fed, các ngân hàng trung ương khác cũng dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tuần này, các ngân hàng trung ương tại Anh, Na Uy, Thụy Sỹ và Nhật Bản cũng có các cuộc họp về chính sách tiền tệ.
Môi trường lãi suất cao hơn đã thúc đẩy đà tăng cho đồng USD, vốn vẫn gần mức cao nhất trong hai thập kỷ so với các đồng tiền khác, và khiến “vàng đên” trở nên đắt hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Bên cạnh đó, thị trường cũng phản ứng với lượng tiêu thụ nhiên liệu yếu tại Mỹ và Trung Quốc. Trong tháng Bảy, người Mỹ đi lại ít hơn so với tháng trước, ghi dấu tháng giảm tiêu thụ nhiên liệu thứ hai liên tiếp, do giá xăng cao.
Theo một cuộc khảo sát, dự trữ dầu thô của Mỹ ước tăng khoảng 2 triệu thùng trong tuần trước. Trong khi đó, một số liệu từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cho thấy trong tháng Tám sản lượng dầu của khối này đã giảm 3,58 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề ra. Con số giảm tương đương khoảng 3,5% nhu cầu dầu toàn cầu./.
https://bnews.vn/