Chủ tịch COP26 trở lại Việt Nam để thúc đẩy tiến độ chuyển đổi năng lượng sạch trước thềm COP27; Đức đẩy nhanh tốc độ dự trữ khí đốt; Cựu Tổng thống Nga Medvedev đưa ra cảnh báo đen tối về giá khí đốt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 29/8/2022.
Chủ tịch COP26 trở lại Việt Nam để thúc đẩy tiến độ chuyển đổi năng lượng sạch trước thềm COP27
Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) - Alok Sharma hiện đang có chuyến thăm tại Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 30/8 để gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Bộ trưởng chủ chốt nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận về Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng.
Trong khuôn khổ Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng - một thỏa thuận chính trị dài hạn giữa Chính phủ Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế (IPG) của các quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, các thành viên Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ dự kiến sẽ được ký kết.
Việt Nam sẽ là quốc gia chủ trì thực hiện. Chương trình đối tác này sẽ hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm dần than, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và triển khai Quy hoạch điện 8 (PDP8) đầy tham vọng của mình. Chương trình đối tác sẽ được củng cố bởi các kế hoạch rõ ràng, mang lại cho Việt Nam cơ hội trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo.
Đức đẩy nhanh tốc độ dự trữ khí đốt
Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck nói với tạp chí Spiegel ngày 28/8 rằng các kho tích trữ khí đốt của Đức đang được lấp đầy nhanh hơn dự kiến và mốc mục tiêu đạt 85% công suất lưu trữ vào tháng 10 trước đây có thể đạt ngay được vào đầu tháng 9 tới. Trước đó, Đức đặt mục tiêu đạt 75% lượng khí đốt tích trữ vào ngày 1/9. Con số này tính tới ngày 26/8 đã ở mức 82,2%.
Theo ông Habeck, các công ty cung cấp khí đốt có thể lấy khí đốt trong mùa đông từ các cơ sở tích trữ để cung cấp cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình như kế hoạch. Do tình trạng sụt giảm và đứt gãy nguồn cung từ Nga, nhà cung cấp năng lượng chính của Đức, Berlin đã phải kích hoạt giai đoạn 2 kế hoạch khẩn cấp về khí đốt (gồm 3 giai đoạn).
Bộ Kinh tế Đức đánh giá, hầu như sẽ không có bất kỳ biến động nào về nguồn cung khí đốt từ Nga trong những tuần tới khi "mùa sưởi ấm" bắt đầu trở lại. Hầu hết khối lượng nhập khẩu qua đường ống của Nga đã được bù đắp thông qua các kênh khác, trong đó việc mua khí đốt tự nhiên từ Na Uy và Hà Lan cũng như nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây.
Cựu Tổng thống Nga Medvedev đưa ra cảnh báo đen tối về giá khí đốt
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc Nga Dmitry Medvedev cảnh báo giá khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ tăng vọt lên 5.000 euro vào cuối năm nay. “Với việc giá khí đốt tăng lên 3.500 euro/nghìn mét khối như hiện nay, tôi mạnh dạn dự đoán mức giá sẽ chạm mốc 5.000 euro vào cuối năm 2022”, ông Medvedev viết trên trang Telegram cá nhân.
Cách đó chưa đầy một tuần, ông Medvedev đưa ra dự đoán thấp hơn khi ước tính giá khí đốt ở EU sẽ chạm mốc 4.000 euro/nghìn mét khối vào cuối năm 2022. Trước đó ông dự đoán con số này chỉ khoảng 2.000 euro/nghìn mét khối sau khi việc chứng nhận dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 bị đình chỉ.
Trong khi đó, các chiến lược gia của Capital Economics cho biết Nga có thể ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang EU hoàn toàn trong hơn một năm mà không gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế quốc gia. Theo các nhà phân tích, “cán cân thanh toán của Nga đang ở vị thế vững vàng đến mức, nếu giá dầu và xuất khẩu dầu vẫn ở mức hiện tại, thì Nga có thể duy trì xuất khẩu khí đốt sang châu Âu ở mức 20% sản lượng bình thường trong ít nhất 3 năm”.
Áo đề nghị EU tách giá điện và khí đốt để kiềm giá điện
Thủ tướng Áo Karl Nehammer ngày 28/8 đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tách giá điện khỏi giá khí đốt để giữ cho giá điện không tăng thêm do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine. "Giá điện phải giảm... Chúng ta không thể để (Tổng thống Nga Vladimir) Putin quyết định mỗi ngày (về giá năng lượng)", Thủ tướng Nehammer nói.
Theo ông Nehammer, EU phải ngăn chặn tình trạng này xảy ra trên thị trường năng lượng và Áo sẽ đề cập tới vấn đề này tại một cuộc họp khẩn của khối, trong đó việc tách giá sẽ có trong chương trình nghị sự. Cũng theo nhà lãnh đạo Áo, ông đã thảo luận về vấn đề trên với giới chức Đức và Cộng hòa Séc - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU.
Giá điện châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục mới trong tuần này. Trong ngày 27/8, hợp đồng mua điện trước một năm đối ở Đức đạt ngưỡng 995 euro/kWh, trong khi giá điện tương đương ở Pháp đã vượt 1.100 euro/kWh, mức tăng trên 10 lần ở cả hai nước so với năm ngoái. Tại Anh, Cơ quan quản lý năng lượng Ofgem cho biết sẽ tăng trần giá điện và khí đốt lên gần gấp đôi kể từ ngày 1/10 lên mức trung bình là 3.549 bảng/năm.
Hungary mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks
Cơ quan Năng lượng nguyên tử Hungary (HAEA) vừa cấp giấy phép mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks, cơ sở hạt nhân nằm cách thủ đô Budapest khoảng 120km về phía Đông.
Các lò phản ứng mới sẽ do Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom của Nga xây dựng theo một thỏa thuận liên chính phủ được Hungary và Nga ký kết từ năm 2014. Thời điểm đó, Chính phủ Hungary từng tuyên bố tổ hợp đầu tiên trong 2 tổ hợp mới sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2023.
Mặc dù vậy, sau đó, vào năm 2022, Thủ tướng Hungary Viktor Orban lại tuyên bố phía Nga sẽ bắt đầu khởi công từ tháng 11/2021. Chính phủ Hungary coi quyết định mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks là một biện pháp đảm bảo cho an ninh năng lượng lâu dài của quốc gia Trung Âu này.
Elon Musk nhận định thế giới vẫn cần dầu mỏ và khí đốt
Tại Hội nghị Offshore Northern Shore (ONS) 2022 ở Stavanger, Na Uy ngày 29/8, Elon Musk cho rằng thế giới phải tiếp tục khai thác dầu và khí đốt để duy trì nền văn minh. "Trên thực tế, tôi nghĩ rằng chúng ta cần sử dụng dầu và khí đốt trong ngắn hạn. Vì nếu không, nền văn minh sẽ sụp đổ", CEO Tesla Elon Musk nói. Ông cho rằng việc này nên thực hiện song song với phát triển năng lượng bền vững.
Khi được hỏi liệu Na Uy có nên tiếp tục khai thác dầu khí hay không, Musk cho rằng một số hoạt động thăm dò bổ sung là cần thiết vào thời điểm này. "Một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới từng phải đối mặt là quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững và sang một nền kinh tế bền vững. Sẽ mất vài thập kỷ để quá trình này hoàn thành", tỷ phú dự báo.
Cuối tuần trước, Elon Musk cũng nhận định việc ủng hộ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân là "điên rồ" đối với an ninh quốc gia. "Các quốc gia nên tăng cường sản xuất điện hạt nhân. Từ góc độ an ninh quốc gia, việc đóng cửa chúng là điều điên rồ và có hại cho môi trường", Musk tuyên bố. Tính đến 2021, Mỹ đã đóng cửa vĩnh viễn 12 lò phản ứng hạt nhân kể từ năm 2012.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/