Tình trạng thiếu dầu diesel sẽ lan ra toàn cầu; Mỹ nới lỏng trừng phạt dầu mỏ Venezuela; Công suất lắp đặt năng lượng tái tạo của Trung Quốc tiếp tục tăng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 27/11/2022.
Theo Bloomberg, một "cơn bão mạnh" trên thị trường dầu diesel toàn cầu đang diễn ra. Ảnh: RDB
Tình trạng thiếu dầu diesel sẽ lan ra toàn cầu
Theo Bloomberg, trong vòng vài tháng tới, hầu hết mọi khu vực trên thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt dầu diesel do nguồn cung khan hiếm ở hầu hết các thị trường trên thế giới đã khiến lạm phát trầm trọng hơn và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng.
Bloomberg cho biết công suất tinh chế bị hạn chế và các kho dự trữ đang cạn kiệt khi mùa lạnh ở Bắc bán cầu bắt đầu. Khủng hoảng nguồn cung có nguy cơ đe dọa đến các mạng lưới giao thông quan trọng vì thiếu nhiên liệu công nghiệp cung cấp năng lượng. Nhiên liệu này cũng được sử dụng để sưởi ấm cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời là nguồn phát điện cho các dịch vụ khác.
Nguyên nhân thiếu hụt dầu diesel một phần do đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu sụt giảm và buộc các nhà máy lọc dầu phải đóng cửa một số nhà máy ít sinh lời nhất. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi dần khỏi nhiên liệu hóa thạch cũng đã làm giảm các khoản đầu tư vào lĩnh vực này.
Mỹ nới lỏng trừng phạt dầu mỏ Venezuela
Bộ Tài chính Mỹ ngày 26/11 cho biết sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt để cho phép tập đoàn Chevron bơm dầu ở Venezuela. Một phát ngôn viên của Chevron khẳng định, công ty này đã nhận được giấy phép từ Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC).
Được OFAC thông qua trong bối cảnh Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và các thành viên đảng đối lập đã nối lại các cuộc đàm phán tại Mexico City, giấy phép sẽ gia hạn trong 6 tháng tới và có thể bị thu hồi sớm bất cứ lúc nào. Công ty dầu mỏ nhà nước Petróleos de Venezuela, S.A., sẽ không thể nhận được lợi nhuận từ hoạt động của Chevron theo các điều khoản của trợ cấp.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng, hành động trên phản ánh chính sách lâu dài của quốc gia này nhằm đưa ra các biện pháp trừng phạt có mục tiêu dựa trên các bước đi cụ thể đối với Venezuela. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ đang xem xét nới lỏng các lệnh trừng phạt Venezuela đối với các nguồn năng lượng thay thế khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không muốn tăng sản lượng dầu.
Indonesia cần 179 tỷ USD đầu tư cho lĩnh vực dầu khí thượng nguồn
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về lĩnh vực dầu khí thượng nguồn Indonesia năm 2022, Giám đốc Lực lượng đặc nhiệm điều tiết dầu khí thượng nguồn (SKK Migas) Dwi Soetjipto cho hay ngành dầu khí cần 179 tỷ USD vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu về năng lượng mới và tái tạo nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia.
Theo ông Soetjipto, trong nỗ lực thực hiện tham vọng đạt mức phát thải ròng bằng 0, SKK Migas cần tối đa hóa giá trị của các nguồn tài nguyên dầu khí, đặc biệt là khí đốt, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và khả năng chi trả trong khu vực. Để đạt được mục tiêu trên, ngành đang nỗ lực nâng sản lượng khai thác dầu thô lên một triệu thùng/ngày và sản lượng khí đốt lên 12 tỷ ft3 (1ft3=0,028 m3) tiêu chuẩn mỗi ngày vào năm 2030.
Ông Soetjipto cho rằng để đạt được mục tiêu sản lượng này, Chính phủ Indonesia cần có những nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí nhằm thu hút các dự án lớn và sự tham gia tích cực của các công ty trong và ngoài nước.
Công suất lắp đặt năng lượng tái tạo của Trung Quốc tiếp tục tăng
Công suất lắp đặt năng lượng tái tạo của Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng kể từ đầu năm đến nay. Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết, vào cuối tháng 10/2022, tổng công suất phát điện của Trung Quốc đã đạt khoảng 2,5 tỷ KW, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, công suất lắp đặt năng lượng gió đã tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước lên 350 triệu KW, trong khi công suất lắp đặt năng lượng mặt trời đạt 360 triệu KW, đạt mức tăng hàng năm là 29,2%. Trong thời gian từ tháng 1-10/2022, tổng đầu tư của các công ty sản xuất điện lớn của Trung Quốc tập trung vào năng lượng mặt trời đã tăng 326,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 157,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 22 tỷ USD).
Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo trong năm nay, với việc xây dựng các cơ sở năng lượng gió quy mô lớn và đẩy mạnh thành lập các cơ sở quang điện, đặc biệt là ở các khu vực sa mạc.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/