Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu đang tăng lên khi ngày càng nhiều người được tiêm ngừa vắc xin Covid-19 và các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới cũng chưa tăng cường sản xuất, nhưng việc nói về một siêu chu kỳ mới và thâm hụt nguồn cung lớn là còn quá sớm.
IEA dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng nhanh chóng trong nửa cuối năm nay, nhưng cũng có rất nhiều phạm vi cho những nhà sản xuất hiện đang hạn chế sản lượng sản xuất trở lại, do đó nhu cầu toàn cầu sẽ không trở lại như mức trước đại dịch trong hai năm nữa.
"Sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu lên gần 70 USD/thùng đã thúc đẩy cuộc thảo luận về một siêu chu kỳ mới và sự thiếu hụt nguồn cung. Dữ liệu và phân tích của chúng tôi cho thấy ngược lại. Đầu tiên, tồn kho dầu vẫn còn dồi dào mặc dù có sự sụt giảm ổn định từ phần lớn hàng tồn kho chồng chất từ quý 2/2020”, IEA cho biết.
IEA dự báo trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng 5,5 triệu thùng/ngày lên 96,5 triệu thùng/ngày, phục hồi khoảng 60% sản lượng bị mất trong năm 2020. Nhu cầu dầu mỏ sẽ trở lại mức năm 2019 vào năm 2023.
Ngoài ra, nền kinh tế mạnh hơn và việc triển khai vắc xin đang diễn ra sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu dầu trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, động lực chính của sự cân bằng cung cầu trên thị trường dầu mỏ là Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+). OPEC+ đã tự nguyện cắt giảm sản lượng kể từ khi ảnh hưởng của đại dịch khiến giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử ở mức âm 40 USD/thùng vào tháng 4/2020.
OPEC+ hiện đang cắt giảm khoảng 8 triệu thùng/ngày nguồn cung dầu vào thị trường. Con số này giảm so với mức cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày được thỏa thuận vào mùa xuân năm ngoái, nhưng vẫn đang đóng vai trò làm nền tảng cho giá dầu và giúp giảm lượng tồn kho dư thừa trên toàn cầu.
IEA cho biết OPEC (trừ Iran) đang giữ lại khoảng 7,7 triệu thùng/ngày trong khi các quốc gia ngoài OPEC đang nắm giữ thêm 1,6 triệu thùng/ngày chưa tung ra thị trường như một phần của thoả thuận cắt giảm sản lượng, những thùng dầu này có thể sớm đưa vào thị trường trong thời gian tới.
Về nguồn cung toàn cầu, sản lượng từ các nước ngoài OPEC+ sẽ tăng 700.000 thùng/ngày sau khi giảm 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2020, trong khi sản lượng dầu của Mỹ sẽ giảm 180.000 thùng/ngày sau khi giảm 600.000 thùng/ngày vào năm 2020.
"Triển vọng nhu cầu mạnh hơn và OPEC+ tiếp tục hạn chế sản xuất cho thấy tồn kho giảm mạnh trong nửa cuối năm. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại vẫn có đủ dầu trong các bể chứa và ở mặt đất để giữ cho thị trường dầu toàn cầu được cung cấp đầy đủ", IEA cho biết.
https://tinnhanhchungkhoan.vn/