Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu về dầu mỏ trong năm 2023.
Một cơ sở khai thác dầu của Iran ở đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 15/2, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu về dầu mỏ trong năm 2023, song việc Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC +) hạn chế sản xuất dầu mỏ đồng nghĩa với nguy cơ thiếu hụt trong nửa sau của năm 2023.
Trong báo cáo thị trường dầu mỏ hằng tháng, IEA cho biết nguồn cung dầu mỏ từ OPEC+ dự kiến sẽ giảm do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga. Theo báo cáo, nguồn cung dầu mỏ thế giới có thể sẽ vượt quá nhu cầu vào nửa đầu năm 2023, nhưng cán cân có thể nhanh chóng chuyển sang thâm hụt khi nhu cầu phục hồi, trong khi Nga - nước xuất khẩu dầu khí lớn thứ 3 thế giới - bị cấm vận.
Các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga cho đến nay có rất ít tác động đối với lượng dầu mỏ xuất khẩu của quốc gia này. Trong tháng 1/2023, xuất khẩu dầu mỏ của Nga chỉ giảm 160.000 thùng/ngày so với mức trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine (2/2022).
Tuy nhiên, đến cuối quý I/2023, mức giảm có thể lên đến 1 triệu thùng/ngày, sau khi Liên minh châu Âu triển khai lệnh cấm nhập khẩu dầu bằng đường biển và các biện pháp áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Tuần trước, Nga tuyên bố sẽ cắt giảm 5% sản lượng từ tháng 3/2023.
Trung Quốc đã quyết định nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19 và mở cửa trở lại vào tháng 12/2022. Do là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai của thế giới, Trung Quốc được coi là biến số lớn nhất trên thị trường dầu khí toàn cầu trong năm nay.
Hôm 14/2, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 101,87 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra trước đó.
Bất chấp nhu cầu tăng cao, tổ chức này đã quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 cho đến cuối năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn và đến nay vẫn duy trì chiến lược sản lượng này nhằm hạ nhiệt giá dầu thô./.