Bức tranh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa rõ nét, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, trong khi nguồn cung dầu thô đã được lên lộ trình tăng sẽ là những nhân tố chính chi phối giá dầu thô thời gian tới.
Theo các dữ liệu kinh tế được công bố thời gian gần đây, Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn cầu Global PMI Mfg tháng 3/2021 tiếp tục tăng 1,1 điểm lên 55 là mức cao nhất kể từ tháng 02/2011, tất cả các chỉ số phụ đều ở mức trên 50 điểm, bao gồm: sản lượng 55,1 (+0,8), đơn đặt hàng mới 55,8 (+1,8), đơn đặt hàng xuất khẩu mới 53,4 (+2,4). Hầu hết chỉ số đều tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn, Mỹ 64.7 (+3,9), EU 62,5 (+4,6), Nhật Bản 52 (+0,7), Trung Quốc 51,9 (-0,3) và LB Nga 51,1 (-0,4) giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì trên mốc 50 điểm.
Có được những con số ấn tượng trên, theo giới phân tích là do việc các nước đã đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả chương trình vắc-xin Covid-19. Điều này đã góp phần hạn chế tác động tiêu cực của dịch bênh, thúc đẩy các hoạt động kinh tế phục hồi, qua đó làm tăng nhu cầu tuyển dụng và chi tiêu. Ví như ở Mỹ, dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 25/3 cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của người Mỹ tuần trước chỉ là 684.000, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 năm ngoái. Làn sóng lạc quan về kinh tế Mỹ giữa bối cảnh Mỹ triển khai nhanh chóng việc tiêm chủng vắc xin và lợi suất trái phiếu kho bạc trở lại quỹ đạo tăng đã hậu thuẫn cho đồng USD tăng giá, lên gần sát mức cao nhất 4 tháng vừa qua.
Giới đầu tư đang có tâm lý lạc quan với đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Đà phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới được dự báo sẽ tiếp tục lạc quan khi ngày 31/3, Tổng thống Joe Biden đã công bố gói kích thích kinh tế tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng có giá trị lên tới hơn 2.000 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Theo đó, Mỹ sẽ chi 2.000 tỷ USD trong 8 năm tới và nâng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 28% để tài trợ nỗ lực này. Gói kích thích này sẽ giành 621 tỷ USD chi cho các cơ sở hạ tầng của ngành vận tải như đường sá, cầu cống, cảng biển, sân bay, phương tiện công cộng và các dự án phát triển xe điện; 400 tỷ USD cho việc chăm sóc những người già và người tàn tật; 300 tỷ USD chi vào nỗ lực cải thiện hệ thống nước uống, mở rộng băng thông Internet và nâng cấp hệ thống đường dây điện; 300 tỷ USD xây dựng và cải tạo nhà ở xã hội, cùng với đầu tư cho hệ thống trường học; 580 tỷ USD cho ngành sản xuất, công tác R&D và các nỗ lực đào tạo nghề.
Hay với Trung Quốc, trong tháng 3/2021, hoạt động sản xuất của nước này cũng đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong 3 tháng trong bối cảnh các nhà máy tăng cường sản xuất sau dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó, sự cải thiện nhu cầu trên toàn cầu càng củng cố đà hồi phục kinh tế vững chắc của Trung Quốc. Chỉ số PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc tăng lên 51.9 trong tháng 3/2021 (từ mức 50.6 của tháng 2/2021), dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy trong ngày 31/03.
Mặc dù vậy, xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới năm 2021 vẫn chưa rõ nét khi vẫn tồn tại nhiều nguy cơ bất ổn từ các vấn đề địa chính trị, xung đột thương mại và diễn biến khó lường từ dịch Covid-19.
Gói kích thích 1.900 tỷ USD vừa được Mỹ thông qua có thể kéo nhu cầu hàng Trung Quốc lên cao. Theo Allianz SE, khoảng 360 tỷ USD trong gói kích thích sẽ được chi tiêu cho nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ tăng thêm 60 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022, khi người dân Mỹ mua máy tính, thiết bị gia dụng và quần áo. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là giá hàng hóa do Trung Quốc sản xuất sẽ tăng lên và khả năng mối căng thẳng giữa 2 nước sẽ leo thang do mất cân bằng thương mại. Trong một diễn biến khác, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ hơn cũng làm chậm nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tái cân bằng nền kinh tế, để giúp quốc gia này phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa và ít hơn vào sản xuất công nghiệp.
Các nền kinh tế đang phục hồi khiến nhu cầu hàng tiêu dùng bùng nổ, tạo ra áp lực lớn lên các chuỗi cung ứng vốn đã đang gián đoạn nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thêm vào đó, sự cố tàu mắc cạn ở kênh Suez (nơi có tới 12% khối lượng thương mại toàn cầu và giá trị hàng hóa lên tới 10 tỷ USD mỗi ngày đi qua đây) càng làm trầm trọng hơn tình trạng gián đoạn cung ứng, đẩy giá thành chi phí đầu vào lên cao. Về dài hạn giá hàng hóa tăng sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát trong nền kinh tế, vốn đã trở thành nỗi lo ngại gần đây do các biện pháp nới lỏng tài khóa.
Dịch Covdi-19 vẫn được nhận định là tác nhân chính có khả năng tác động mạnh nhất đến diễn biến của giá dầu.
Dịch Covid-19 đang được kiểm soát nhờ các nước đẩy mạnh các chương trình vắc-xin nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro có thể mang đến một làn sóng bùng phát mới, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha...
Từ những dự cảm như trên, WB đưa ra mức dự báo thấp hơn với tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 là 4% với những lo ngại về tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp.
Trong khi triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu chưa rõ nét, còn nhiều rủi ro, qua đó đe dọa tốc độ phục hồi nhu cầu dầu thô thì cung dầu thô lại có lộ trình điều chỉnh tăng rõ rệt.
Cụ thể, sau cuộc họp chính sách ngày 1/4, OPEC+ quyết định tăng sản lượng khai thác thêm 350.000 thùng/ngày từ tháng 5 và 6, tăng thêm 441.000 thùng/ngày từ tháng 7; đồng thời kéo dài thời hạn bù đắp khối lượng đã khai thác vượt (khoảng 90 triệu thùng) đến cuối tháng 9. Tổng cộng trong 3 tháng sẽ tăng 1,15 triệu thùng, phần của LB Nga là 114.000 thùng. Trong khi Saudi Arabia sẽ giảm dần khối lượng cắt giảm tự nguyện bổ sung (1 triệu thùng/ngày) cũng trong giai đoạn này. Như vậy, nguồn cung dầu thô sẽ được bổ sung trong 3 tháng tới sẽ tăng 2,15 triệu thùng/ngày.
Hiện tại OPEC+ đang thực hiện cắt giảm sản lượng ở mức 8,2 triệu thùng/ngày, trong đó có 1 triệu thùng/ngày là cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia. Mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể sẽ được điều chỉnh vào cuộc họp thường kỳ của khối dự kiến được tổ chức vào ngày 28/4 tới.
Ngoài ra, giá dầu thế giới sẽ còn chịu sức ép từ nguồn cung dầu thô từ Iran, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này.
Trước đó, ngày 31/3, về nhu cầu dầu thô, Ủy ban kỹ thuật OPEC+ (JTC) đã điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới năm 2021 từ 5,9 triệu xuống 5,6 triệu thùng/ngày, phát đi tín hiệu tiêu cực hơn về thị trường. Theo JTC, nhu cầu bị ảnh hưởng chủ yếu trong vài tháng tới (đến giữa quý 3/2021) trong khi sản lượng khai thác vượt hạn ngạch cộng dồn đến tháng 3 tăng lên 3 triệu thùng/ngày so với 2,8 triệu thùng/ngày của tháng 2/2021.
Như vậy có thể thấy, giá dầu thế giới thời gian tới sẽ bị chi phối mạnh bởi đà phục hồi kinh tế, đặc biệt là 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, trong đó rủi ro về dịch Covdi-19 tiếp tục là nhân tố tác động lớn nhất.
Cập nhật dữ liệu đến 16h ngày 7/4, giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2021 đứng ở mức 59,07 USD/thùng, giảm 0,26 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2021 đứng ở mức 62,39 USD/thùng, giảm 0,35 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 7/4 tiếp tục có xu hướng trượt nhẹ trong bối cảnh lo ngại sự gia tăng nguồn cung vượt quá nhu cầu phục hồi nhiên liệu, trong đó có dầu thô, trên thị trường.
Hà Lê