Giá dầu thế giới giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 20/5, đánh dấu phiên đi xuống thứ ba liên tiếp của mặt hàng này.
Giá dầu thô giảm thứ ba liên tiếp. Ảnh: Reuters
Giá dầu thế giới giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 20/5, đánh dấu phiên đi xuống thứ ba liên tiếp của mặt hàng này, sau khi các nhà ngoại giao cho biết tiến thỏa thuận dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã đạt được những tiến triển, qua đó có thể thúc đẩy nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn hạ 1,31 USD (2,1%), xuống 62,05 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng mất 1,55 USD (2,3%), xuống 65,11 USD/thùng.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ, vận tải biển, hóa dầu, bảo hiểm và ngân hàng trung ương Iran đã được đề cập trong các cuộc đàm phán.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group (trụ sở tại Chicago, Mỹ) cho biết, điều đó thực sự đè nặng lên tâm lý của thị trường dầu mỏ và đẩy giá dầu đi xuống, do những lo ngại về sự gia tăng nguồn cung.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết thành công của thỏa thuận này là điều chưa chắc chắn và các vấn đề vướng mắc vẫn còn tồn tại. Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ và ít nhất một nhà máy lọc dầu châu Âu đang đánh giá lại việc mua dầu thô của họ để nhường chỗ cho dầu Iran trong nửa cuối năm nay, với dự đoán rằng lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ được dỡ bỏ.
Các nhà phân tích của PVM cho biết, với dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ khả quan trong năm nay và năm 2022, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, đang giữ tâm lý khá thoải mái để đối phó với việc gia tăng sản lượng của Iran mà không làm ảnh hưởng tới nỗ lực việc tái cân bằng thị trường dầu.
Dù vậy, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao tại Ấn Độ khiến quan ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ ở châu Á gia tăng, cũng kéo giá dầu đi xuống.
Theo các chuyên gia, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và đã khiến một số nhà đầu tư thận trọng khi đổ tiền vào dầu và một số loại hàng hóa khác.
OPEC cho biết, một cảnh báo nghiêm ngặt từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về việc ngừng cấp vốn cho các dự án mới liên quan tới nhiên liệu hóa thạch có thể dẫn đến biến động về giá dầu trong thời gian tới./.
https://bnews.vn/