Trên thị trường, những lo lắng về nhu cầu yếu lại đồng thời xuất hiện với thông tin rằng Trung Quốc đang xem xét nới lỏng các biện pháp kiểm dịch COVID-19 đối với du khách nước ngoài.
Giá dầu thế giới hầu như không biến động trong phiên 20/10. Ảnh: TTXVN phát
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 3 xu Mỹ xuống 92,38 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2022 (hết hạn vào phiên này) tăng 43 xu Mỹ lên 85,98 USD/thùng, trong khi giá hợp đồng giao tháng 12/2022 giảm 1 xu Mỹ xuống 84,51 USD/thùng.
Trước đó cùng phiên, cả dầu Brent và WTI đều tăng hơn 2 USD/thùng.
Thị trường đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Philadelphia, ông Patrick Harker cho hay ngân hàng trung ương này sẽ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và tiếp tục tăng mục tiêu lãi suất ngắn hạn để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, thị trường cũng đồng thời nhận được hỗ trợ khi xuất hiện thông tin Trung Quốc đang xem xét cắt giảm thời gian cách ly đối với du khách từ 10 ngày xuống còn bảy ngày.
Ông Bob Yawger, người phụ trách mảng hợp đồng năng lượng tại ngân hàng Mizuho, cho biết đó được coi là một chỉ báo nhu cầu tích cực cho thị trường.
Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về kiểm soát dịch COVID-19 trong năm nay. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh và kinh tế của quốc gia tỷ dân, đồng thời làm giảm nhu cầu về nhiên liệu.
Bên cạnh đó, lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm dầu và dầu thô của Nga, cũng như việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga (OPEC+) cắt giảm sâu sản lượng cũng đã hỗ trợ giá. Hồi đầu tháng 10, các nước OPEC+ đã đồng ý về việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày và khẳng định quyết định này dựa trên các đánh giá kinh tế thuần túy, không từ lý do chính trị./.
https://bnews.vn/