Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar hôm 22/6, BofA Global Research cho hay nguồn cung dầu thắt chặt hơn và nhu cầu phục hồi có thể đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng vào năm 2022.
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên ngày 22/6 sau khi dầu Brent tăng trên mức 75 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn hai năm qua trong bối cảnh Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, thảo luận việc tăng sản lượng.
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên 22/6. Ảnh: TTXVN phát
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 9 xu Mỹ xuống 74,81 USD/thùng sau khi từng chạm mức cao nhất trong phiên là 75,3 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ ngày 25/4/2019.
Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 60 xu Mỹ (0,8%) xuống 73,06 USD/thùng.
Các nguồn tin OPEC+ ngày 22/6 cho hay nhóm này đang thảo luận tăng dần sản lượng dầu từ tháng 8/2021, nhưng vẫn chưa quyết định số lượng chính xác.
OPEC+ đang đưa 2,1 triệu thùng dầu trở lại thị trường mỗi ngày từ tháng Năm đến tháng 7/2021, đây là một phần trong kế hoạch rút dần thỏa thuận cắt giảm sản lượng của năm ngoái do đại dịch COVID-19 đã tác động đến sự phục hồi nhu cầu.
OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 1/7 tới. Giá hai loại dầu chủ chốt trên đã tăng trong bốn tuần qua nhờ tiến triển chương trình tiêm chủng vaccine trên toàn thế giới và dự báo hoạt động đi lại trong mùa Hè tăng lên.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar hôm 22/6, BofA Global Research đã nâng dự báo giá dầu Brent trong năm 2021 và 2022, nói rằng nguồn cung dầu thắt chặt hơn và nhu cầu phục hồi có thể đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng vào năm 2022. Mặc dù giá dầu có thể chạm mốc 100 USD/thùng, song tình trạng giá cả biến động cũng gia tăng do quá chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo và đầu tư sụt giảm.
Khảo sát của Reuters ngày 21/6 cho thấy dự trữ dầu thô Mỹ dự kiến giảm trong tuần thứ năm liên tiếp trong tuần trước, còn dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất đều tăng./.