Giá dầu giảm khoảng 2% vào phiên 27/8 do lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu năng lượng, đặc biệt là sau khi giá tăng hơn 7% trong ba ngày trước đó.
Theo đó, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1,88 USD (tương đương 2,3%) xuống đóng cửa ở mức 79,55 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,89 USD (2,4%) xuống 75,53 USD/thùng.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates cho biết trong một lưu ý rằng mặc dù giá giảm đáng kể trong phiên 27/8, nhưng mức giảm vẫn nằm trong phạm vi điều chỉnh bình thường và hợp lý sau mức tăng tới 6 USD/thùng trong ba phiên vừa qua.
Các nhà giao dịch kỹ thuật lưu ý rằng giá của cả hai hợp đồng đã giảm sau khi không vượt qua được ngưỡng kháng cự quanh đường trung bình động 200 ngày vào phiên 26/8.
Tại Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng vào tháng 8/2024. Nhưng người Mỹ đang trở nên lo lắng hơn về thị trường lao động sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên gần mức cao nhất trong ba năm là 4,3% vào tháng trước.
Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã thúc đẩy kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới. Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Công ty tài chính UBS Global Wealth Management dự đoán khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ là 25%, tăng từ 20% trước đó và viện dẫn các con số yếu trong báo cáo lao động tháng Bảy.
Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2025 tới 5 USD một thùng, với lý do nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc. Cụ thể, ngân hàng đã cắt giảm biên độ giao dịch của dầu Brent xuống còn 70-85 USD/thùng và hạ dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2025 từ 82 USD/thùng xuống còn 77 USD/thùng.
Theo Goldman Sachs, những lo ngại về nền kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc đã lấn át những tin tức lạc quan từ Libya và Trung Đông - yếu tố vốn có thể làm giảm nguồn cung.
Giá dầu đã tăng mạnh trong vài ngày qua do khả năng Libya đóng cửa các mỏ dầu có thể làm sản lượng của thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) này giảm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày. Những căng thẳng khác ở Trung Đông cũng góp phần đưa giá “vàng đen” đi lên.
https://bnews.vn/