Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên 7/1 giữa lúc các nhà đầu tư xem xét lại khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông do tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Giá dầu châu Á giảm trong phiên 7/1. Ảnh: TTXVN phát
Trong phiên giao dịch chiều 7/1, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 77 xu Mỹ xuống 68,14 USD/thùng. Giá loại dầu này có lúc giảm 1,5% xuống 67,86 USD/thùng trong cùng phiên. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 65 xu Mỹ xuống 62,62 USD/thùng, sau khi để mất 1,5% xuống 62,30 USD/thùng trước đó trong cùng phiên.
Giá dầu đã tăng trong hai phiên giao dịch trước đó, khi dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2019, còn giá dầu WTI tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2019 do lo ngại xung đột leo thang và khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông sau cuộc không kích hôm 3/1 của Mỹ khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani Qasem Soleimani thiệt mạng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã xoa dịu những đồn đoán về một cuộc xung đột lan rộng.
Lachlan Shaw, người phụ trách nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng National Australia Bank, cho biết Iran cần nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu và khả năng Tehran chặn Eo biển Hormuz sẽ không xảy ra bởi điều đó đi ngược lại với lợi ích của quốc gia Trung Đông này. Khoảng 20% lượng thô dầu của thế giới được vận chuyển qua tuyến hàng hải ở Trung Đông, giáp với Iran.
Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ sự tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạn chế sản lượng nhằm giảm nguồn cung của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Theo khảo sát của Reuters, các thành viên OPEC đã bơm 29,50 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2019, giảm 50.000 thùng/ngày so với số liệu điều chỉnh của tháng 11/2019.
Trong khi đó, dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần trước có thể giảm tuần thứ tư liên tiếp do xuất khẩu dầu gia tăng. Theo ước tính của các nhà phân tích, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 4,1% trong tuần kết thúc ngày 3/1./.
Minh Hằng (Theo Reuters)