Việc cổ phần hóa thành công 3 đơn vị thành viên trong cùng một thời điểm đã khẳng định quyết tâm, tính hiệu quả trong thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Ba đơn vị cổ phần hóa của PVN gồm Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là các đơn vị có quy mô lớn, thực hiện cổ phần hóa và IPO vào cùng một thời điểm tháng 12/2017, do đó cần một lượng vốn đầu tư không nhỏ, khoảng hơn 60.000 tỷ đồng mới có thể thực hiện thành công giao dịch nếu PVN IPO toàn bộ số cổ phần chào bán ra ngoài công chúng (tính theo giá đấu thành công bình quân).
Trong bối cảnh quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ bé, đang phát triển như tại Việt Nam, đây thực sự là một thách thức rất lớn. Nhận thức được vấn đề đó, ngay sau khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cổ phần hóa, PVN đã tích cực triển khai thực hiện các công việc liên quan xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa phù hợp với các quy định hiện hành, trình Bộ Công Thương công bố giá trị doanh nghiệp và đề nghị Bộ Công Thương thẩm định, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và triển khai thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn trao Bằng khen cho 3 đơn vị thực hiện thành công công tác cổ phần hóa doanh nghiệp
Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa họp định kỳ hoặc đột xuất để quyết định các nội dung công việc thuộc thẩm quyền; giải quyết, chỉ đạo sát sao và xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa.
Thực hiện các quyết định về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa PV Power, PVOIL và BSR của Thủ tướng Chính phủ, PVN đã hoàn thành bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, bán cổ phần cho người lao động, thu về thặng dư khoảng 7.450 tỷ đồng cho Nhà nước, trong đó:
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã bán đấu giá thành công 241.427.969 cổ phần (tương đương 7,79% VĐL), thu về số tiền 5.414.651.191.200 đồng với giá đấu thành công bình quân 23.043 đồng/cổ phần, thặng dư khoảng 3.150 tỷ đồng.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã bán đấu giá thành công 467.802.523 cổ phần (tương đương 20% VĐL), thu về số tiền 6.987.286.898.480 đồng với giá đấu thành công bình quân 14.938 đồng/cổ phần, thặng dư khoảng 2.300 tỷ đồng.
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã bán đấu giá thành công 200.445.036 cổ phần (tương đương 20% VĐL), thu về số tiền 4.039.964.286.800 đồng với giá đấu thành công bình quân 20.155 đồng/cổ phần, thặng dư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Việc thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/8/2017 vẫn đang được PVN triển khai tích cực. Theo PVN, những kết quả thành công vượt mong đợi trên đến từ các yếu tố:
Thứ nhất phải đề cập đến lợi thế nội tại của các đơn vị cổ phần hóa. Cả 3 đơn vị đều có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các đơn vị luôn nỗ lực không ngừng để nâng cao hiệu quả hoạt động với mục tiêu mang lại lợi ích lớn nhất cho Nhà nước và các cổ đông.
Bên cạnh lợi thế nội tại, sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan cũng giúp cho việc IPO gặp nhiều thuận lợi. Có thể nói, thời gian 1 tháng kể từ khi PVN báo cáo đến khi hoàn thiện phương án theo ý kiến góp ý của các Bộ ngành và phê duyệt của Chính phủ là một kỷ lục về thời gian phê duyệt, bảo đảm các quy định của pháp luật, tận dụng được cơ hội của thị trường.
Thứ hai, với việc sở hữu khối lượng vốn lớn, Hội đồng Thành viên PVN đã tập trung thành lập, củng cố vị trí vai trò của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành liên quan, phối hợp với PVN và các đơn vị thành viên của PVN triển khai công tác cổ phần hóa. Ban Chỉ đạo đã xây dựng phương án cổ phần hóa phù hợp với tình hình hoạt động, xác định đúng cơ cấu vốn điều lệ để thu hút sự quan tâm của thị trường, nhất là các nhà đầu tư lớn tiềm năng trên thế giới, góp phần định giá đúng giá trị cổ phiếu, sử dụng tối ưu mọi lợi thế, tiềm năng phát triển của đơn vị, đảm bảo sau khi chuyển sang mô hình mới, doanh nghiệp phải hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.
Thành công ngoài mong đợi của BSR, PV Power, PVOIL trong quá trình IPO là nỗ lực đáng ghi nhận của PVN, cũng như những thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh đang là tiền đề rất thuận lợi để các công ty này tiếp tục thực hiện thoái vốn của Nhà nước khi chuyển sang mô hình hoạt động công ty cổ phần.
Hiền Anh
Nguồn: https://petrotimes.vn