Nếu sửa đổi Luật Dầu khí đạt được những mong muốn đề ra sẽ đóng góp thêm cho ngân sách Nhà nước, đóng góp vào an sinh xã hội, an ninh năng lượng Quốc gia...
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đang được lấy ý kiến của các đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế. Để hiểu rõ hơn về quá trình soạn thảo, cũng như mục tiêu, ý nghĩa của việc sửa đổi dự thảo Luật này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (VPA).
Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, xin ông cho biết về tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Dầu khí? Việc sửa đổi Luật này sẽ đóng góp vai trò quan trọng như thế nào trong việc phát triển kinh tế nói chung, đóng góp ngân sách Nhà nước cũng như phát triển ngành dầu khí?
Ông Nguyễn Quốc Thập: Là người được Hội Dầu Khí cử tham gia vào quá trình chuẩn bị Luật Dầu khí (sửa đổi), hiện đang tiếp tục có ý kiến vào dự thảo Luật lần này. Như chúng ta đã biết, Luật Dầu khí sửa đổi gần nhất vào năm 2008 khi đó chức năng quản lý đã được định nghĩa rõ ràng và đưa về cho Bộ Công thương. Thêm nữa, tình hình hoạt động dầu khí của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2014 đến nay, do yếu tố biến động của giá dầu cũng như một số tình hình hoạt động trên Biển Đông không được suôn sẻ, vì vậy, tính hấp dẫn kém đi được phản ánh trong suốt 5 năm qua, tính bình quân một năm chúng ta chưa ký được một hợp đồng dầu khí, đây là điều đáng báo động.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Luật Dầu khí cần mang đặc thù dầu khí", Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Đức Kiên cho rằng, sửa đổi Luật Dầu khí lần này phải hướng tới mục tiêu các nhà đầu tư trong và ngoài nước chỉ cần đọc và làm theo hướng dẫn là có thể yên tâm triển khai nhanh, hiệu quả các dự án dầu, khí.
Một vấn đề nữa, sản lượng dầu trong những năm qua liên tiếp suy giảm, năm 2021 dù vượt kế hoạch trên 10% cũng chỉ đạt ~9 triệu tấn, bức tranh này đã được dự báo trước. Nguyên nhân ảnh hưởng đến sự suy giảm này và không có bù đắp đó là thiếu đầu tư bổ sung, các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu , những mỏ mới được phát hiện đều là những mỏ nhỏ, mỏ cận biên nên đưa vào khai thác khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh giá dầu biến động nên nhà đầu tư rất nghi ngại, bên cạnh đó thủ tục đầu tư khi Luật Quản lý vốn và Ngân sách Nhà nước (Luật 69) ban hành năm 2014 cũng làm cho các quy trình thủ tục của đầu tư trong lĩnh vực dầu khí đối với Petrovietnam và các đơn vị trong Tập đoànthêm khó khăn, trở ngại. Vì thế, sản lượng tiếp tục suy giảm, năm 2002 dự báo chỉ khai thác khoảng ~7 tiệu tấn dầu thô.
Thêm một điều nữa, về trữ lượng chúng ta phát hiện và có thể phát triển được lại là phần dầu, khí trong giai đoạn vừa rồi tương đương nhau cỡ 1,5 tỷ tấn (đã khai thác khoảng 50%, trong số đódầu chiếm 70%, khí chiếm 30%). Kế hoạch, đưa vào phát triển khai thác các dự án khí đều bị chậm lại, như dự án khí Lô B, dự án khí cá voi xanh… đây là dự án phát triển theo chuỗi, đòi hỏi không chỉ ở khâu thượng, trung, hạ nguồn đến các hộ tiêu thụ khí và điện. Tất cả những yếu tố này đòi hỏi chúng ta phải có ứng xử phù hợp, nếu không thì khai thác dầu thô và các công trình khai thác khí sẽ tiếp tục đà suy giảm.
Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (VPA).
Cho nên, việc sửa đổi Luật Dầu khí lần này là yêu cầu rất bức thiết, đòi hỏi của thực tiễn cũng như đòi hỏi của nền kinh tế. Nếu tiếp tục trông đợi sự đóng góp về khai thác dầu thô, sản phẩm khí đến các hộ tiêu thụ và các hạng mục dịch vụ đi kèm thì sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu sửa đổi đạt được những mong muốn như nêu trên thì tiếp tục đóng góp thêm cho ngân sách Nhà nước, thêm nguồn thu ngoại tệ và thêm việc làm, cũng như an sinh xã hội,an ninh năng lượng Quốc gia, bảo vệ chủ quyền Biển Đảo của Việt Nam.
Tôi khẳng định lại rằng, trong các đánh giá của các chuyên gia trong ngành, cũng như nhà đầu tư bên ngoài vào tham gia đánh giá tiềm năng dầu khí của Việt Nam, hiện nay dự báo chúng ta vẫn còn cơ hội để phát hiện không nhỏ hơn trữ lượng dầu khí đã phát hiện (khoảng 1,5 tỷ tấn dầu quy đổi với cơ cấu khoảng 30% là dầu và 70% là khí). Như vậy, tiềm năng để đầu tư thăm dò cũng như tiềm năng để ký các hợp đồng dầu khí mới của Việt Nam vẫn còn cơ hội nếu như kịp sửa đổi những bất cập trong Luật Dầu khí, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Petrovietnam thay mặt nước chủ nhà”
NĐT: Trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu và tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), theo ông việc sửa đổi những điều luật như vậy đã bám sát được nhu cầu của thực tiễn? Nếu chưa thì cần bổ sung thêm những quy định như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Thập: Đây là vấn đề cấp thiết trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này, về quyền và trách nhiệm của nhà thầu cơ bản đạt được. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam trong dự thảo lần này có lẽ vẫn chưa đạt được mong đợi. Đó là, Petrovietnam sẽ đóng vai trò là chủ thể của các hợp đồng dầu khí đã và sẽ ký kết trong tương lai, nhưng nếu trong Luật Dầu khí chưathể hiện được Petrovietnam đại diện cho nước chủ nhà thì đứng về mặt giao dịch dân sự (hợp đồng) thì người ký hợp đồng với Petrovietnam cũng nghi ngại, bởi Petrovietnam không là chủ thể pháp lý và đầu mối duy nhất toàn quyền thực hiện việc ký kết và quản lý giám sát và giải quyết tranh chấp liên quan đến triển khai thực hiện các Hợp đồng Dầu Khí.
Để giải quyết điều này, theo tôi dự thảo Luật cần thêm một ý trong “định nghĩa về Petrovietnam” hoặc đưa vào “quyền của Petrovietnam” đó là “Petrovietnam thay mặt nước chủ nhà” sẽ đầy đủ hơn. Còn nếu không có câu chữ này thì đâu đấy vị thế của Petrovietnam trong ứng xử với đối tác cũng cảm thấy chưa thực sự yên tâm về vai trò, quyền của Petrovietnam.
NĐT: Như ông phân tích thì trách nhiệm của Petrovietnam trong Dự thảo này chưa tương xứng với năng lực của Petrovietnam. Vậy, có cần tăng thêm trách nhiệm của Petrovietnam đặc biệt trong việc đánh giá và thẩm định với vai trò nước chủ nhà?
Ông Nguyễn Quốc Thập: Nói thêm vai trò, trách nhiệm của Petrovietnam trong thẩm định, đánh giá các dự án với tư cách là nước chủ nhà, hiện nay các Hợp đồng dầu khí, báo cáo trữ lượng dầu khí tại chỗ, báo cáo phát triển mỏ đều do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Công thương là đầu mối thẩm định cùng với các Bộ, ngành, còn Petrovietnam là thành viên tham gia vào trong hội đồng thẩm định này. Chúng tôi cho rằng, để tăng tính hiệu quả và thiết thực hơn, trong sửa đổi lần này và Nghị định hướng dẫn làm thế nào để có sự phân cấp rõ ràng, cụ thể hơn.Chúng tôi cũng đã và sẽ kiến nghị Thủ tướng sẽ chỉ phê duyệt những dự án chuỗi, dự án siêu lớn từ mức đầu tư 3 tỷ USD trở lên; Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt từ 1-3 tỷ USD; Petrovietnam dưới 1 tỷ USD. Như vậy, nếu đạtđược điều này thì việc ứng xử, phê duyệt các mỏ nhỏ, mỏ cận biên sẽ kịp thời hơn, nhanh chóng đưa các công trình vào, rút ngắn thời gian sẽ giúp cho các mỏ nhỏ này vào khai thác, làm giảm, làm chậm sự suy giảm của biểu đồ sản lượng hiện nay.
Dầu khí hiện nay là một tài nguyên của quốc gia cực kỳ quan trọng và quý giá.
NĐT: Cả Petrovietnam cũng như các đơn vị cho biết gặp nhiều vướng mắc về các thủ tục đầu tư, dự án dầu khí do sự chồng chéo của pháp luật, vậy theo ông trong quá trình sửa đổi Luật Dầu khí, có cần thiết phải đơn giản hoá các thủ tục để phủ hợp hơn với thông lệ dầu khí quốc tế?
Ông Nguyễn Quốc Thập: Đây là một nội dung rất quan trọng, có một thực tế điều lệ của Tập đoàn là do Thủ tướng phê duyệt, trong điều lệ của tập đoàn cũng như theo Luật doanh nghiệp, chủ sở hữu của tập đoàn được quyết những dự án tới 50% vốn điều lệ của Tập đoàn. Tuy nhiên, Luật 69 năm 2014 lại phân cấp theo nhóm dự án A, B, C…tương tự như các Dự án đầu tư công(Nhóm A trên 2.300 tỷ). Như vậy, tất cả các dự án đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí phải do Thủ tướng quyếtđịnh và phê quyệt, nhưng khi đối chiếu với điều lệ thì lại là quyền của PVN.
Như vậy, trong kiến nghị lần này chúng tôi muốn bổ sung vào quyền và trách nhiệm của Petrovietnam đó là muốn Quốc hội thông qua, bổ sung trách nhiệm của Petrovietnam, đó là:“Petrovietnam quyết định và phê duyệt những dự án đầu tư, mua bán, sang nhượng tronglĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí có vốn tới 50% vốn điều lệ của tập đoàn”, còn mục trách nhiệm bổ sung thêm:“nếu các dự án này vượt 50% có trách nhiệm báo với cơ quan đại diện chủ sở hữu của tập đoàn”. Giải quyết được điều này, cũng sẽ giải quyết được căn cơ bài toán đầu tư về thẩm quyền ra quyết định mà lâu nay rất vướng mắc.
NĐT: Nếu dự án Luật này được thông qua, ông có kỳ vọng như thế nào trong việc phát triển ngành dầu khí nói riêng và phát triển nền kinh tế nói chung?
Ông Nguyễn Quốc Thập:Nếu sửa đổi lần này đạt được những mục tiêu đặt ra, cũng như phân rõ quyền và trách nhiệm của Petrovietnam, cũng như phân cấp từ Chính phủ đến các Bộ, ngành thì chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
NĐT: Xin cảm ơn chia sẻ của ông!
Để dầu khí Việt Nam mạnh, lớn, khoẻ
Đánh giá về vai trò của ngành dầu khí, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Ngành dầu khí hiện nay là một tài nguyên của quốc gia cực kỳ quan trọng, quý giá, đóng góp rất lớn vào thu ngân sách của Nhà nước. Nên, chúng ta cần phải bảo vệ, khai thác có chọn lọc, hiệu quả nhất. Đặc biệt, việc khai thác dầu thô phải làm sao chế biến được sản phẩm chính. Nên, nếu Luật Dầu khí có sửa đổi thì cần quan tâm đến việc khai thác dầu khí nhưng hạn chế việc bán dầu thô ra nước ngoài. Thêm nữa, khai thác có chọn lọc, chứ không phải cứ khai thác tràn lan thì e rằng tới đời con, đời cháu không còn nguồn tài nguyên này nữa”.
Trước nhiều ý kiến cho rằng hiện có quá nhiều loại Luật cho ngành Dầu khí, cần phải đơn giản hoá các thủ tục hành chính, đại biểu Hoà cho rằng việc đơn giản hoá thủ tục hành chính là lẽ tất yếu.
“Hiện, Chính phủ đang là Chính phủ điện tử, thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, cho nên Luật Dầu khí cũng không ngoại lệ trong cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Tôi cho rằng điều này rất hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn, đơn giản hoá thủ tục hành chính làm sao cho dầu khí Việt Nam mạnh, lớn, khoẻ đủ sức vươn ra tầm thế giới ở chuỗi cung ứng trong nước, cũng như xuất khẩu đảm bảo hiệu quả lâu dài, có tích luỹ về sau”, đại biểu Hoà nhấn mạnh.
Cần cơ chế chính sách để nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Trong khi đó, chia sẻ với Người Đưa Tin về vai trò của ngành dầu khí, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, ngành dầu khí đóng góp vai trò rất quan trọng. Bởi, với mỗi một quốc gia, ngoài ăn uống thì việc đi lại rất quan trọng, đi lại không có xăng dầu thì rất khó. Vậy, muốn đi lại, muốn logistic… thì xăng dầu vẫn đóng vai trò quyết định.
“Vai trò của dầu khí ngoài việc đi lại còn xây dựng các nhà máy điện, nói như vậy để thấy rằng dầu khí hết sức quan trọng đối với đời sống con người”, ông Ngãi cho hay.
Theo ông Ngãi, dịch Covid-19 cũng gây khó khăn đối với ngành dầu khí, đối với nền kinh tế của thế giới trong đó có Việt Nam. Do đó, ngành dầu khí Việt Nam nói riêng, và ngành dầu khí trên thế giới nói chung là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
Ngành dầu khí cần phải đủ các yếu tố: Thứ nhất, được Chính phủ quan tâm giúp đỡ để thăm dò, khai thác tìm kiếm; Điều thứ hai là phải có tài chính thì mới làm được.
“Luật Dầu khí đang được tiếp tục sửa đổi, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng đã làm văn bản gửi Chính phủ gồm 5 vấn đề, trong đó vấn đề cốt lõi nhất đó là muốn kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần có cơ chế chính sách đặc thù thì các nhà đầu tư mới vào được”, ông Ngãi cho biết. |
Hoàng Thị Bích
Theo nguoiduatin.vn