PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất về các lĩnh vực năng lượng thế giới.
Bản tin Năng lượng Quốc tế 24/11: Đức lên kế hoạch áp thuế các công ty năng lượng
1. Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 77,94 USD/thùng - giảm 3,72%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 84,67 USD/thùng - giảm 4,18%.
Giá dầu giảm mặc dù dữ liệu của Viện dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy mức giảm kho dự trữ dầu thô của Mỹ lớn hơn dự kiến vào tuần trước, vượt xa những lo ngại về nhu cầu thấp từ Trung Quốc.
2. Ba nguồn tin giấu tên có uy tín tiết lộ với Reuters rằng, Washington có thể cấp phép cho Chevron tăng đáng kể sản lượng dầu ở Venezuela sớm nhất là vào cuối tuần này, nếu Chính phủ của Nicolas Maduro nối lại đàm phán với phe đối lập.
Điều này nghĩa là có tiềm năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela vào thời điểm Mỹ đang thúc đẩy khai thác dầu để giảm giá.
3. Uzbekistan đã khánh thành một nhà máy điện mới sẽ bổ sung đủ công suất phát điện để cung cấp cho khoảng 230.000 hộ gia đình, nhưng ngay cả điều đó cũng không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu điện hiện nay.
Bộ Năng lượng cho biết, nhà máy điện được xây dựng ở quận Khovos, tỉnh Syrdaryo đã đi vào hoạt động vào ngày 20/11 và có thể sản xuất tới 1,7 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm. Nhà máy được xây dựng bởi công ty Thổ Nhĩ Kỳ Cengiz Energy.
4. Chính phủ Đức được cho là đang lên kế hoạch áp dụng một loại thuế đặc biệt, theo đó các công ty dầu mỏ, khí đốt và than đá của nước này phải trả 33% lợi nhuận bất thường, có khả năng tạo ra doanh thu từ một đến ba tỷ euro, Reuters đưa tin.
Được xem là "đóng góp cho cuộc khủng hoảng năng lượng của EU", loại thuế này có khả năng ảnh hưởng đến hàng chục công ty năng lượng và sẽ nhắm vào lợi nhuận năm 2022 và 2023 của họ.
5. Moldova đã cáo buộc Moscow "vu cáo và bác bỏ cáo buộc của gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom rằng Ukraine đang giữ lại các chuyến hàng dự kiến chuyển cho nước này.
Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu cho biết trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 23/11 rằng một số nguồn cung cấp khí đốt - hơn 200 triệu m3 - từ Nga vẫn được lưu trữ ở Ukraine để sử dụng trong tương lai và Gazprom đang lợi dụng thực tế đó để đe dọa cắt nguồn cung.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/