Dưới đây là 3 kịch bản có khả năng khiến giá dầu tăng cao trong thời gian tới. Thứ nhất là dựa trên các nguyên tắc cơ bản cung cầu của thị trường, thứ hai là nhờ tác động của thảm họa tự nhiên và thứ ba là sự can thiệp của con người.
Châu Á là khu vực chiếm 60% dân số toàn cầu và là nơi tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, gồm dầu, than và năng lượng tái tạo. Đây cũng là nơi tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn thứ ba sau châu Âu và Bắc Mỹ.
Khi khí tự nhiên ngày càng được chuyển hóa thành khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt nhiều hơn, khu vực này sẽ sớm trở thành nơi tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.
Mặc dù là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, khu vực châu Á Thái Bình Dương chỉ nắm giữ 2,8% trữ lượng dầu toàn cầu và chỉ sản xuất 7,63 triệu thùng/ngày so với mức tiêu thụ dầu là 35,8 triệu thùng/ngày, một con số nhập khẩu khổng lồ.
Sự phụ thuộc nhập khẩu dầu của châu Á và eo biển Hormuz
Năm 2018, hơn 78% nhu cầu dầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là qua nhập khẩu, tương đương 28,17 triệu thùng/ngày. Hơn 73% trong số đó, 20,7 triệu thùng/ngày, đi qua Eo biển Hormuz - một tuyến đường hẹp nối Vịnh Ba Tư với biển Arab Saudi và nắm vai trò quan trọng cho an ninh năng lượng toàn cầu và thương mại quốc tế.
Nguồn: EIA
Tuyến đường này rộng khoảng 21 dặm tại điểm hẹp nhất và do những hạn chế độ sâu nên khoảng cách cho tàu bè đi lại chỉ rộng khoảng 4 dặm.
Chuỗi cung ứng này là xương sống của sự thịnh vượng kinh tế của các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan. Đây cũng là con đường xuất khẩu dầu khí chính từ vùng Vịnh sang châu Á. Bất kì sự gián đoạn nào ở eo biển Hormuz có thể dẫn đến sự chậm trễ đáng kể về nguồn cung tác động lớn tới tâm lí thị trường.
Mặc dù có những tuyến đường thay thế nhưng dài hơn và chi phí vận chuyển cao gấp nhiều lần. Sự gián đoạn trong eo biển này cũng có thể khiến các tàu chở dầu gặp nguy hiểm bởi cướp biển, khủng bố, bất ổn chính trị (dưới hình thức chiến tranh) và tai nạn vận chuyển có thể dẫn đến sự cố tràn dầu.
3 kịch bản có thể khiến giá dầu tăng cao
Trong số rất nhiều kịch bản có thể xảy ra mà các nhà quan sát thị trường xem xét, 3 tình huống được liệt kê dưới đây có khả năng khiến giá dầu tăng cao nhất. Thứ nhất là dựa trên các nguyên tắc cơ bản của thị trường, thứ hai là nhờ tác động của thảm họa tự nhiên và thứ ba là sự can thiệp của con người.
Nguyên tắc cơ bản thị trường
Vấn đề hiện nay là nhu cầu dầu toàn cầu thấp hơn đáng kể so với nguồn cung. Ngay cả thỏa thuận OPEC + cắt giảm 10 triệu thùng/ngày cũng không đủ để cân bằng thị trường.
Nếu chênh lệch cán cân cung cầu vẫn tiếp tục, giá sẽ vẫn ở mức 20 USD/thùng hoặc thậm chí thấp hơn. Để đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng, sản xuất dầu phải giảm đáng kể hoặc nhu cầu phải bắt đầu phục hồi trở lại.
Nếu OPEC và các đồng minh, gồm các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, quyết định cắt giảm sản lượng dầu trong khoảng 20 - 25 triệu thùng/ngày trong một vài tháng hoặc cho đến khi hết tình trạng dư cung, giá dầu sẽ phục hồi.
Hạn ngạch cắt giảm sâu rộng sẽ tốt cho toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ, có thể khiến giá tăng trở lại phạm vi 30 - 50 USD/thùng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.
Tuy nhiên, nếu OPEC + thực sự đề xuất cắt giảm bổ sung mà không nhận được ủng hộ từ các nhà sản xuất dầu khác, hạn ngạch cắt giảm vẫn chỉ ở mức 10 triệu thùng/ngày như hiện nay. Thế giới sẽ tiếp tục trải qua sự dư thừa nguồn cung dầu và giá thấp sẽ tồn tại cho đến khi thị trường tìm thấy trạng thái cân bằng mới.
Khi dự trữ toàn cầu đạt tối đa, việc ngừng hoạt động sản xuất ngoài dự kiến sẽ gây tổn hại cho ngành dầu mỏ nói chung và các nhà sản xuất đá phiến nói riêng. Giá dầu sẽ vẫn ở mức thấp trong một thời gian dài cho đến khi nhu cầu dầu toàn cầu quay trở lại và tác động của đại dịch COVID-19 giảm dần.
Tác động từ dịch bệnh
Kịch bản thứ hai có thể xảy ra là dịch COVID-19 tấn công trực tiếp vào chuỗi cung ứng - cụ thể tại cơ sở sản xuất hoặc nhà máy lọc dầu - khiến việc hoạt động tạm dừng một phần. Việc này sẽ ngay lập tức khiến giá dầu tăng lên 30 USD/thùng.
Và nếu sự cố này kéo dài trong nhiều tuần, giá dầu sẽ tăng lên hơn 40 USD/thùng bất kể tình trạng thặng dư. Tuy nhiên, sự gia tăng như vậy sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì nhu cầu sẽ vẫn giảm và cuối cùng sản xuất sẽ vẫn quay trở lại quỹ đạo ban đầu.
Sự can thiệp của con người
Trở lại khoảng thời gian tháng 9/2019, các cơ sở dầu của Saudi Aramco bị tấn công - làm gián đoạn nguồn cung đáng kể, dẫn đến giá dầu đạt mức tăng hàng ngày tương đối lớn và rất nhiều biến động giao dịch trong ngày.
Trong cuộc tấn công này và nhiều vụ tương tự trong quá khứ, kịch bản thứ ba có thể xảy ra là sự can thiệp của con người. Ví dụ, nếu Iran phản ứng với căng thẳng gần đây ở vùng Vịnh và đóng cửa eo biển Hormuz khiến các nhà xuất khẩu dầu vùng Vịnh không thể xuất khẩu, tác động đối với thị trường dầu mỏ sẽ rất lớn.
Iran khó có thể để căng thẳng leo thang đến mức đóng cửa eo biển Hormuz vì sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của chính mình.
Tuy nhiên, nếu động thái cực đoan này xảy ra, đây được coi là một thách thức trực tiếp đối với Mỹ, dẫn đến sự leo thang hơn nữa ở vùng Vịnh và thậm chí có thể là một cuộc xung đột. Giá dầu sẽ leo trên mức 30 USD/thùng và thậm chí có thể đạt trên 50 USD/thùng.
Tất cả 3 kịch bản trên sẽ dẫn đến sự gia tăng giá dầu khi thị trường buộc phải nhanh chóng thích ứng với một cú sốc cung cầu mới. Mỗi trường hợp sẽ có độ dài thời gian khác nhau tùy thuộc vào tâm lí thị trường và việc nhanh chóng đưa nguồn cung toàn cầu trở lại cân bằng với nhu cầu như thế nào.
Linh Giang
Theo Kinh tế & Tiêu dùng